pacman, rainbows, and roller s
CHATTHUGIAN.MOBIE.IN
kính chào qúy khách

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Tử Vi   Truyện Tranh  
Facebook  Xổ Số  Dịch  Tải Game  Báo  Tiền Ảo Bitcoin 

  CHIẾN BINH CẦU VỒNG 


Phan_22

Cứ trông thấy Eryn và niềm say mê học tập của nó, thái độ tích cực của nó và sự thông minh ánh lên trông đôi mắt nó là những mệt mỏi sau ngày làm việc của tôi chợt tan biến đâu mất. Tôi sẵn sàng làm thêm những công việc linh tinh khác như dịch tiếng Anh, đánh máy, hay phô tô ngoài giờ làm. Tôi hy sinh tất cả, kể cả phải bán đi chiếc máy cát xét, tài sản có giá trị nhất của tôi, để có tiền cho Eryn ăn học. 

Trải nghiệm cay đắng với Lintang thật đau buồn. Có lúc tôi làm việc thật cật lực cho Eryn có tiền ăn học để nguôi ngoai cái mặc cảm tội lỗi vì trước đây không thể giúp đỡ Lintang. Eryn đã mang đến cái cảm giác rằng dù cuộc sống của tôi có khốn khổ đến mấy, có thất bại như thế nào đi chăng nữa thì ít ra tôi vẫn còn có ích phần nào cho thế giới này. Cuộc đời tôi chả có gì để cho tôi tự hào nhưng tôi muốn cống hiến đời mình cho một điều quan trọng nào đó. Eryn là điều có ý nghĩa duy nhất trong cuộc sống của tôi. 

Eryn đang lâm vào tình trạng hoảng loạn. Đề cương luận văn của nó hết lần này đến lần khác bị thầy hướng dẫn từ chối. Chắc cũng đến mấy chục lần rồi. Nó đã học xong và giờ còn năm tháng nữa để tìm một đề tài phù hợp cho luận văn tốt nghiệp. Cùng với lá thư từ chối gần đây nhất, thầy hướng dẫn của nó đính kèm mười lăm trang liệt kê đề tài của những sinh viên khác đã chọn. Tôi xem tất cả những tên đề tài đó. Đúng là gần ba mươi sinh viên chọn nghiên cứu về sự rối loạn nhân cách, hàng chục đứa khác chọn viết về sự thỏa mãn nghề nghiệp, hội chứng Down và dạy trẻ. Vô số sinh viên khác viết về bệnh tự kỷ. 

Thầy hướng dẫn của Eryn yêu cầu nó nghiên cứu về một điều gì đó mới mẻ, khác lạ, điều gì đó sẽ mang đến đột phá mang tính khoa học vì nó là sinh viên đạt giải thưởng. Tôi cũng đồng ý với thầy. 

Thật ra, Eryn đã nghĩ đến một chủ đề chưa sinh viên nào nghiên cứu. Nó hăng hái nói với tôi nó sẽ nghiên cứu một tình trạng tâm lý theo đó một cá nhân hoàn toàn bị phụ thuộc vào một cá nhân khác đến mức không thể làm bất cứ điều gì nếu thiếu người mà anh/ cô ta bị phụ thuộc. Nó đã trình bày ý tưởng với thầy hướng dẫn và ông đã đồng ý. 

Cái khó ở đây là loại tình trạng đấy rất hiếm thấy. Đã từng có một vài trường hợp sống phụ thuộc, nhưng ở mức độ thấp nên không cần điều trị đặc biệt. Eryn đang tìm kiếm một trường hợp phụ thuộc ở mức độ cao. Khi tiến hành tìm kiếm đối tượng cho bài nghiên cứu của mình, nó đã liên hệ với nhiều nhà tâm lý học, giáo sư đại học, bệnh viện thần kinh, các bác sĩ làm việc ở bệnh viện thần kinh trên khắp Indonesia. Gần bốn tháng ròng rã mà Eryn vẫn không tìm thấy một trường hợp nào. Nó dần trở nên nản lòng. 

Nhưng, hôm nay, vận may đã mỉm cười với Eryn. Nó nhận được một lá thư từ giám đốc bệnh viện thần kinh Sungai Liat ở Bangka cho biết họ đang điều trị một trường hợp mà Eryn đang tìm kiếm. 

Chúng tôi thấy phấn khởi ghê gớm vì đảo Bangka nằm cạnh đảo Belitong. Hai hòn đảo này thuộc cùng một tỉnh, Bangka – Belitong. Vậy nên khi Eryn bảo tôi đi cùng nó, tôi ngay lập tức xin nghỉ việc. Chúng tôi cũng định về thăm quê nhà ở Belitong. 

 

Bệnh viện tâm thầm Sungai Liat cũ lắm rồi. Nó được người Hà Lan cho xây và người Belitong gọi nó là Zaal Batu hay phòng đá, vì những bức tường phòng khám được làm toàn bằng đá. Vì không có bệnh viện tâm thần nào khác tại Belitong – đến giờ này vẫn y như thế - nên người dân nơi đây khi mắc chứng thần kinh trầm trọng thường được chuyển bằng đường thủy đến bệnh viện thần kinh ở Bangka. Vì lý do đó mà trong suy nghĩ của người Belitong, Zaal Batu luôn mang một ý nghĩa đau đớn, tuyệt vọng và tăm tối. 

Khi chúng tôi đến nơi, tiếng cầu kinh râm ran từ khắp các nhà thờ xung quanh Zaal Batu. Chúng tôi bước vào tòa nhà màu trắng cũ kỹ có những cái cột cao ngất ngưởng ấy. 

Ngoài mấy cái cột đó còn có những cánh cửa sắt với ổ khóa to cộ, những phòng thuốc đầy chai lọ thấp, những cái bàn khám có thể đẩy đi được, nhân viên đồng phục trắng, những bệnh nhân nói chuyện một mình hay nhìn bâng quơ bằng ánh mắt dài dại. Ở đó tỏa ra mùi bệnh viện. 

Một y tá nam lại gần chúng tôi. Anh ta biết chúng tôi đã có hẹn, nên mở cửa ngay. Chúng tôi bước vào một hành lang dài giữa hai dãy phòng bệnh. Tôi nhìn vào mặt mấy bệnh nhên đằng sau những chấn song thép. Tôi cảm thấy những chấn song đó dần biến thành mấy chục cái chân người, và nơi khoảng trống giữa những cái chân đó, tôi trông thấy một khuôn mặt rỗ quen thuộc. Nỗi buồn tỏa ra từ bệnh viện tâm thần lại mở ra căn phòng tối trong đầu tôi – nơi Bodenga ẩn náu. 

Người y tá đưa chúng tôi đến phòng giáo sư Yan, giám đốc bệnh viện, người đã viết thư cho Eryn. Vị giáo sư ấy có khuôn mặt điềm tĩnh, và ông liên tục lần tasbih – tràng hạt. 

“Đây là một trường hợp luyến mẫu nghiêm trọng.” ông nói với giọng nặng nề. 

“Anh thanh niên này không rời khỏi mẹ mình lấy một phút. Nếu tỉnh giấc mà không thấy mẹ thì anh ta lập tức thét lên cuồng loạn. Tình trạng phụ thuộc kinh niên này cuối cùng khiến bà mẹ cũng phát điên theo. Cả hai đã ở đây gần sáu năm nay.” 

Câu chuyện thật quá đau lòng. 

Giáo sư Yan dẫn chúng tôi đến một căn phòng biệt lập. Tôi không dám hình dung những gì mình có thể sẽ trông thấy ngay sau đó. Tôi có đủ dũng khí để chứng kiến sự đau đớn khủng khiếp đến nhường ấy hay không? Tôi có nên đợi ở ngoài không? Nhưng đã quá muộn – giáo sư Yan đã mở cửa căn phòng ấy mất rồi. 

Chúng tôi đứng ngay bậc cửa. Căn phòng rộng và im lặng đến ghê người. Ánh sáng duy nhất tỏa ra từ một bóng đèn thấp lè tè không đủ chiếu sáng lên trần. Chẳng có đồ đạc gì ngoài một băng ghế hẹp dài ở tít góc phòng. 

Và ở ngay trên chiếc ghế dài đó, cách chúng tôi khoảng mười lăm bước chân, hai con người đáng thương ấy ngồi sát vào nhau, một mẹ một con. Nét mặt họ lo lắng, như thể họ đang van xin được cứu vớt. 

Người con trai gầy trơ xương ngồi thẳng lưng, mái tóc dài phủ hết mặt. Tóc mai, lông mày, cả râu quai nón rậm và rối bù. Da xám xịt. 

Người mẹ thì yếu ớt mảnh dẻ. Mắt bà ẩn chứa nỗi sợ hãi cùng cực. Bà mang đôi dép tông quá khổ. Nét mặt bà chất chứa nỗi chịu đựng căng thẳng. 

Hai con người đó nhìn chúng tôi lần lượt từng người một nhưng đầu vẫn không ngẩng lên. Người con trai bám lấy tay bà mẹ. Khi chúng tôi vào phòng, anh ta nép sát hơn vào mẹ. Tôi xin phép ra khỏi căn phòng đau đớn đó; cảnh tượng đó ập lên người tôi như thể một tấn gạch vậy. 

Giáo sư Yan giúp Eryn phỏng vấn hai bệnh nhân. Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, cuộc phỏng vấn kết thúc. 

Eryn ra dấu cho tôi vào chào hai mẹ con bệnh nhân ấy. Tôi trở vào căn phòng và cố mỉm cười mặc dù tim tôi như vỡ ra khi hình dung nỗi đau mà họ phải chịu đựng. 

Ba chúng tôi ra khỏi phòng. Eryn và giáo sư Yan đi trước tôi. Tôi ra cuối cùng nên quay người lại đóng cánh cửa. Và ngay lúc ấy, tôi giật bắn mình – có tiếng người gọi. 

“Ikal…” 

Eryn và giáo sư Yan cũng sửng sốt không kém. Chúng tôi nhất loạt quay người lại. Không có ai khác trong phòng ngoài chúng tôi và hai con người đáng thương kia. Tiếng gọi đó rõ ràng là phát ra từ căn phòng mà chúng tôi vừa mới ra khỏi. Tôi do dự định đến mở cửa phòng. 

“Ikal,” giọng nói ấy lại vang lên. 

Đúng là một trong hai bệnh nhân đó gọi tên tôi. 

Tôi xoay nắm cửa và vội bước vào. Tôi cẩn trọng tiến về phía hai con người đó, rồi dừng lại cách họ chừng ba mét. Cả hai đứng lên. Tôi quan sát họ thật kỹ. Người mẹ gục đầu xuống còn người con trai thì đang khóc. Môi anh ta run lên khi liên tục thốt gọi tên tôi như thể anh đã đợi tôi từ mấy năm nay. Anh vẫy tôi đến gần. Vẫn chưa hết bàng hoàng, tôi bước tới đằng trước để nhìn họ rõ hơn. Người thanh niên vén tóc để lộ khuôn mặt, và tôi lặng người đi vì kinh ngạc. Tôi không thể tin vào mắt mình. Tôi như muốn hét lên. Tôi biết người thanh niên đó – Trapani. 

 

  Chương 45 - Kế hoạch C XE BUÝT ĐƯA CHÚNG TÔI trở lại ngôi làng, đi ngang qua cửa hiệu Sinar Harapan. Cửa hiệu chẳng hề thay đổi, vẫn một mớ hỗn độn như thế. Bên cạnh mọc lên một cửa hiệu mới Sinar Perkasa – Tia sức mạnh. Anh cu li khiến tôi chú ý. Anh ta cao lớn, tóc dài chấm vai cột lại phía sau như một chiến binh samurai, tay áo xắn lên. Tôi chẳng mấy ngạc nhiên nếu tên cửa hiệu được lấy cảm hứng từ vẻ ngoài của anh cu li nọ. 

Anh cu li đó trông rất dễ gần và vui vẻ làm công việc của mình. Anh vác một lượng lớn hàng đã có người mua; mỗi vai một bao gạo, cái lộp xe đạp thì tròng vào cổ, lại còn ôm cả mớ túi ni lông nữa. Anh tếu táo thách ông chủ chất thêm hàng nữa đi vì anh còn sức để vác thêm mà. Vừa cười phá lên ông chủ vừa chất thêm một bao gạo nữa lên vai anh cu li. Anh cu li biến thành một cửa hàng bách hóa di động, thật không tin nổi anh lại có thể mang được ngần ấy. 

Tôi cố nén cười khi nhìn anh cu li mang cả núi hàng tiến về phía chiếc xe tải nhỏ đang chờ. Tấp tểnh đi bên cạnh anh là một phụ nữ béo núc, người mua cả đống hàng đó. Một người khác đứng trước cửa hiệu hét lên giọng lo lắng bảo anh cu li đừng có mà ôm đồm quá như thế. Anh cu li vẫn vênh mặt bước đi mặc dù bước chân của anh mỗi lúc một loạng choạng. 

Tôi chuyển sang nhìn cửa hiệu Sinar Harapan và cười thầm khi nghĩ về những kỷ niệm trong quá khứ liên quan đến cửa hiệu này. Những xúc cảm đẹp đẽ vẫn nguyên vẹn, dù giờ tôi đã là một người lớn. Rõ ràng, tình yêu của tôi còn đậm sâu hơn đáy những can dầu hỏa vẫn xếp chật ních bên nhau trong cửa hiệu kia. Bên trong chiếc xe buýt lụ khụ này, trong nỗi u hoài vẫn chưa nguôi ngoai, tôi chợt cảm thấy mình thật may mắn khi ít ra cũng đã thổ lộ được lòng mình. Tôi biết chẳng phải ai cũng có được cơ hội ấy, không phải ai cũng có một trải nghiệm tình yêu đầu đời hồi hộp ly kỳ như thế. Dẫu đã mất đi tình yêu đầu đời ấy, tôi vẫn xem mình là một trong những kẻ may mắn. 

Chúng ta có thể trở thành những kẻ hoài nghi, luôn nghi ngờ vì đánh lừa chỉ một lần và bởi chỉ một người. Nhưng rõ ràng chỉ cần một tình yêu chân thành cũng đủ để thay đổi toàn bộ nhận thức về tình yêu của ta. Ít ra, trong trường hợp của tôi thì đúng như thế. Mặc dù, suốt cả thời thanh niên của tôi, tình yêu thường đối xử với tôi không tử tế gì nhưng tôi vẫn tin vào nó, tất cả nhờ cô gái có bộ móng tay đẹp đến diệu kỳ ở cửa hàng Sinar Harapan. Giờ cô ở đâu? Tôi không biết, và lúc này tôi cũng không muốn biết. Bức tranh về tình yêu đó đẹp như một ao sen bừng nở, và tôi muốn nó cứ như thế. Nếu tôi không gặp lại A Ling, hình ảnh đó có thể phải mờ đi. Có thể hiện tại tay cô nổi gân xanh, da gợn sóng, bụng chảy xệ, mắt bọng. Cô đã từng là thần Vệ Nữ của biển Đông và tôi muốn nhớ về cô với hình ảnh ấy. 

Tôi lấy trong túi ra cuốn sách A Ling tặng – Giá như họ có thể lên tiếng – bằng chứng tình yêu đầu đời của chúng tôi. Ngồi đây trên buýt, tôi nhận ra ngay rằng toàn bộ cuộc sống giờ đây đã rách tả tơi vì luôn được tôi mang theo bên mình. Tấm gương của Herriot, ngôi làng Edensor ông miêu tả và mối liên quan giữa cuốn sách với tình cảm tôi dành cho A Ling đã khơi nguồn cảm hứng cho tôi nắm lấy tương lai với thái độ lạc quan. 

Một tuần sau khi quăng bản thảo Cầu lông và kết bạn xuống sống Ciliwing, tôi đọc được bản thông báo về một học bổng thạc sĩ tại một nước thuộc Liên minh châu Âu. 

Tôi liền về nhà, vớ lấy giấy bút rồi ngồi vào bàn, đặt tờ giấy ngay ngắn trước mặt và bắt đầu thảo một kế hoạch với những bước thật rõ ràng. Đây là kế hoạch C của tôi: tôi muốn học tiếp! 

 

Tôi học như điên để chuẩn bị thi vào trường Đại học nơi Eryn đang học. Sau khi tôi thi đậu, cuộc sống của tôi dường như đã biến thành một trận chiến. Tôi làm công việc phân loại thư cả ngày lẫn đêm và làm bất kỳ công việc linh tinh nào có thể tìm được để có tiền trả học phí. Tôi chưa tốt nghiệp đại học, nhưng vẫn quyết tâm giành học bổng thạc sĩ từ Liên minh châu Âu. Tập trung! Tập trung! Đó là câu thần chú của tôi. 

Tôi nhanh chóng hoàn tất chương trình đại học và không bỏ phí chút thời gian nào, tôi viết đơn xin học bổng của Liên minh châu Âu. 

Tôi dành toàn bộ thời gian trau giồi kiến thức để tham gia bài kiểm tra giành suất học bổng ấy. Tôi đọc sách cật lực. 

Tôi đọc trong khi phân loại thư, trong khi ăn, trong khi nằm trên giường nghe những câu chuyện wayang trên radio. Tôi đọc sách trên angkol, xe tải công cộng. Tôi đọc trên becak, xe xích lô, khi ông chủ nói xách mé, và cả trong lễ chào cơ. Nếu người ta có thể đọc trong lúc đi ngủ thì tôi cũng có thể làm được như thế. Có khi tôi đọc trong lúc chơi bóng; tôi thậm chí đọc trong khi đang đọc. Mấy bức tưởng trong phòng trọ đầy rẫy những công thức tính, những bài kiểm tra GMAT, các thì động từ. 

Vào tối thứ Bảy, tôi đi chợ Anyar ở Bagor. Tại một kaki lima – quầy bán hàng lưu động – tôi gặp một người Minang bán áp phích. Một khuôn mặt hiền lành với đôi kính tròn khiến tôi chú ý. Tôi biết rằng ở quãng đời này tôi cần cái gì đó khơi nguồn cảm hứng, khao khát, hoài bão. Tôi mua một tấm. Tối hôm ấy, John Lennon mỉm cười trên bức tường phòng trọ của tôi. Bên dưới tấm áp phích, tôi viết câu nói giàu ý nghĩa của ông để luôn nhắc nhở mình cần phải tích cực hơn nữa: Cuộc sống là những gì xảy đến với bạn trong khi bạn đang mải mê vạch kế hoạch này nọ. 

Tôi mau chóng trở thành vị khách trung thành của thư viện LIPI (Viện Khoa học Indonesia) ở Bogor. Giờ tôi luôn đòi làm ca phân loại thư subub mà trước đây tôi ghét cay ghét đắng để được về nhà sớm học bài. Khi công việc nhiều quá, tôi tóm tắt bài đọc trên những mẩu giấy nhỏ - phương pháp ghi nhớ theo mẹo mà trước đây Lintang đã dạy cho tôi. Tôi đọc những mẩu giấy nhỏ ấy trong khi đợi người giao thư đến dỡ những bao thư từ xe tải xuống. 

Ở nhà tôi học tới khuya lắc khuya lơ. Lúc này căn bệnh mất ngủ kia đâm ra có ích. Tôi là người mất ngủ làm việc có năng lực dễ sợ. Bất cứ khi nào thấy mệt, tôi lại mở cuốn Giá như họ có thể lên tiếng. Herriot và tôi lại thành bạn chí cốt. 

Mình phải giành được suất học bổng ấy, Không một lựa chọn nào khác. Mình phải giành được! Đó là những lời cứ vang lên trong lòng tôi mỗi khi tôi đứng trước gương. Suất học bổng đó là một tấm vé thoát khỏi cuộc sống chả có gì đáng tự hào của tôi hiện giờ. 

 

Bài kiểm tra đầy căng thẳng đó kéo dài liên tục hàng tháng. Nó bắt đầu bằng vòng sơ khảo tại một sân bóng chật ních thí sinh. Bảy tháng sau, tôi vào đến vòng chung kết, phải trải qua một buổi phỏng vấn tại một học viện danh tiếng ở Jakarta. Ở vòng cuối này, người phỏng vấn tôi là một cựu công sứ có gương mặt ưa nhìn và thích hút thuốc. “Một thói quen gớm chết,” tôi nhớ Morgan Freeman nói thế trong một bộ phim. 

Tôi đến viện và, lần đầu tiên trong đời, tôi đeo cà vạt. Cái thứ đó quả thật không muốn làm bạn với tôi. 

Một phụ nữ mời tôi vào một căn phòng. Quý ông ưa thuốc lá đó đã an tọa với điếu thuốc gắn trên môi. 

Ông ta bảo tôi ngồi trước mặt ông và ông quan sát tôi thật lỹ. Hẳn là ông ta nghĩ anh thanh niên nhà quê này chắc chắn sẽ khiến những kiều bào Indonesia ngượng chết đi mất. Rồi ông đọc lá thư trình bày động cơ của tôi – lá thư mà mỗi người tham gia đều phải viết để trình bày lý do họ cảm thấy mình xứng đáng được nhận học bổng. 

Vị cựu công sứ rít một hơi thuốc thật sâu và rồi, như một trò ảo thuật, không thấy một chút khói nào nhả ra cả, như thể ông nuốt trọn khói vào trong và để nó nguyên trong ngực một lúc. Mắt ông lim dim, chậm rãi chớp vài cái khi ông tận hưởng chất độc nicotine đang được đưa vào người. Rồi, bằng một nụ cười thỏa mãn đến rợn người, ông nhả khói ra và nó trôi thoảng qua trước mặt tôi. 

Mắt tôi cay sè và tôi cố chống lại cơn ho cùng cảm giác buồn nôn, nhưng tôi có thể làm gì chứ? Người đàn ông ngồi trước tôi đây đang nắm giữ tấm vé tối quan trọng cho tương lai của tôi. Mặc dù cơn nôn mửa gần như không kiềm chế được nữa, tôi vẫn cố ngồi thật ngay ngắn và đáp lại ông ta bằng nụ cười gượng gạo như kiểu của mấy cô tiếp viên hàng không.

“Hừm, tôi thích là thư trình bày động cơ của anh đấy. Những lý do anh đưa ra và cách anh diễn đạt bằng tiếng Anh rất ấn tượng.” ông ta nói. 

Tôi lại cười, lần này giống nụ cười của một nhân viên bán bảo hiểm. 

Ông ta chưa biết đàn ông Mã Lai vốn khéo ăn nói hay sao, tôi thầm nghĩ. 

Rồi, vị cựu công sứ xem đến đề xuất nghiên cứu của tôi, trong đó có lĩnh vực tôi tập trung nghiên cứu, tài liệu nghiên cứu và tên đề tài tôi sẽ nghiên cứu nếu tôi nhận được suất học bổng đó. 

“Ái chà, cái này cũng khá thú vị đấy!” 

Ông muốn nói tiếp, nhưng điếu thuốc thân yêu của ông dường như quan trọng hơn. Ông ta lại rít thuốc. Tôi dám cá rằng nếu ngực ông ta được chụp X-quang, chắc chắn nó chỉ toàn một màu đen. Người đàn ông này thông minh nổi tiếng, không chỉ trên đất nước này mà còn trên khắp thế giới nữa. Những đóng góp của ông cho đất nước này không phải là ít, vậy sao ông có thể chẳng hiểu gì về khói thuốc? 

“Ừm, ừm… chủ đề này đáng được nghiên cứu thêm đấy, rất thử thách. Ai hướng dẫn anh viết cái này đây?” Ông mở rộng miệng cười, thong thả nhả khói. 

Tôi biết đây là một câu hỏi tu từ không cần câu trả lời. Tôi chỉ cười. Trường Muhammadiyah, cô Mus, thầy Harfan, Lintang và đội Chiến binh Cầu vồng chứ ai nữa, tôi thầm trả lời. 

“Tội đợi rất lâu rồi mới có một đề xuất nghiên cứu như thế này đấy. Rồi nó cũng đến, và lại từ một nhân viên bưu điện! Anh đã ở đâu ngần ấy thời gian, anh bạn trẻ?” 

Lại là một câu hỏi tu từ nữa, tôi cười, và nghĩ, Edensor chứ đâu. 

Đề xuất của tôi là nghiên cứu sâu hơn về phương thức định giá chuyển giao. Tôi đưa ra phương thức này chuyên để giải quyết vấn đề giá cả trong dịch vụ lẫn viễn thông, và nó cũng có thể được sử dụng như một phương thức tham khảo để giải quyết những cuộc tranh chấp kết nối giữa những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Tôi phát triển phương thức đó sử dụng phương trình nhiều biến, nguyên lý trước đây Lintang đã dạy tôi. 

Không lâu sau đó, tôi bắt đầu đi học tại một ngôi trường đại học ở châu Âu. Hiện giờ tôi nhìn cuộc sống của tôi từ một góc độ khác. Hơn thế nữa, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trả được món nợ ân tình cho trường Muhammadiyah, cho cô Mus, cho thầy Harfan, và cho đội Chiến binh Cầu vồng. 

 

  Chương 46 - Lời hứa thứ ba của Lintang CHIẾC XE BUÝT cà khổ lăn bánh qua khỏi khu chợ. Cửa hàng Sinar Harapan từ từ biến mất khỏi tầm mắt. Tôi vội xuống xe băng qua đường về nhà mẹ tôi. 

Tôi nghe bài hát Rayuan Pulau Kelapa - Đảo dừa quyền rũ vọng ra từ nhà hàng xóm. Đó là nhạc hiệu của Radio Republik Indonesia, có nghĩa là đã đến bản tin trưa. Một ngày yên tĩnh và nóng bức. Nhưng sự yên tĩnh đó bị phá vỡ bởi một tiếng còi dài phát ra từ một chiếc xe có tải trọng mười tấn. Đó là chiếc xe trục kép có mười tám bánh với bề rộng một mét. 

Một người thanh niên nhỏ thó nhấp nhô trên chiếc ghế tài. Anh quá bé so với chiếc xe tải quá cỡ. Anh đang chở cát thủy tinh. 

“Thế là cuối cùng cậu cũng trở về, Ikal. Hôm nay bận quá. Tới trại nhé,” anh hét lên. 

Tôi bỏ bốn cái túi trên vai xuống, nhưng chỉ kịp vẫy tay. Tôi đứng vẫy tay giữa đám bụi tung lên mù mịt trong khi anh lái xe đi mất. 

Ngày hôm sau, tôi đến khu trại theo lời mời của anh tài xế nhỏ người ấy. Những cái lán rải dọc khắp bờ biển, và không có cửa - hệt như chuồng gia súc. Đây là nơi hàng chục tài xế chở cát nghỉ lại chờ tới ca của mình. Họ phải thay nhau làm liên tục hai tư tiếng một ngày để đổ cát đầy mấy cái sà lan. Những cái sà lan chất hàng ngàn tấn của cải của Belitong. Chúng đi tới đâu thì chẳng ai biết được. 

Tôi bước vào trại nhìn quanh quất. Ở chính giữa có một lò sưởi lớn giúp họ sưởi ấm chống lại những cơn giò lạnh thổi từ biển vào. Trong góc xếp lô xô những can dầu, gói thuốc lá, bình rượu da, đủ loại chìa khóa, cái bơm dầu, trống, và một bình đựng nước uống. Mọi thứ lộn xộn bừa bãi. Những cái bình màu đen, mấy cái đĩa thiếc, những hộp thuốc diệt muỗi, cà phê và vỏ mì ăn liền vung vãi trên sàn nhà bẩn, và ở đó còn lăn lóc mấy tấm thảm cầu nguyện nữa. Một tờ lịch ảnh phụ nữ mặc đồ bikini treo xộc xệch trên tường. Dẫu đã là tháng Năm, nhưng cũng chẳng ai thèm quan tâm đến việc đổi sang tờ khác, vẫn cứ để tháng Ba - rõ ràng tất cả đều đồng ý người mẫu tháng Ba hấp dẫn nhất. 

Người lái xe chào tôi hôm trước là một trong mấy chục lái xe ở trong những cái lán này. Anh ngồi đối diện tôi trên ghế sofa gần lò sưởi. Anh nhếch nhác, khắc khổ, chưa vợ con và thiếu ăn - là Lintang. 

Tôi không nói gì. Rõ ràng cậu đã rất mệt mỏi khi chiến đấu với định mệnh. Công việc nặng nhọc khiến cho cánh tay cậu cứng cáp, nhưng phần còn lại của cơ thể thì gầy gò hom hem. Dù làn da cậu khô rốc, dính đầy dầu mỡ, nhưng ánh nhìn thông minh trong mắt cậu và nụ cười hóm hỉnh dễ mến vẫn vẹn nguyên trên khuôn mặt. Tóc cậu cháy nắng rối bù. Lintang và toàn bộ con người cậu gợi nên một niềm thương cảm, thương cảm vì trí thông minh bị phí hoài. 

Tôi vẫn im lặng. Ngực tôi thắt lại. Chỗ lán trại này được xây trên doi đất nhô ra biển. Tôi nghe thấy có tiếng Bùm! Bùm! Nhìn ra cửa sổ phía bên phải, tôi trông thấy một chiếc tàu kéo đang chầm chậm đi qua, kéo theo một sà lan. Tiếng động cơ phát ra từ chiếc tàu kéo khiến cho mấy cột rầm của cái lán rung chuyển. Khói đen bốc cuồn cuộn. Con tàu phá tan sự tĩnh lặng của biển, để lại những ngọn sóng và nước tung lấp lóa, dầu nổi loang lổ khiến mặt nước trông như được làm từ thủy tinh đa sắc. 

Tôi dán mắt vào con tàu đang nổ bình bịch, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như thể nó không chuyển động, mà thay vào đó là cả mấy căn lán và tôi đang chuyển động. Lintang, nãy giờ vẫn ngồi yên quan sát tôi, đọc được ý nghĩ của tôi. 

“Thuyết tương đối của Einstein về tính đồng thời,” cậu nói, khỏi đầu buổi trò chuyện. Cậu ngậm ngùi cười. Niềm mong ước được đi học hẳn khiến cậu đau lòng lắm. 

Tôi cũng mỉm cười. Nghiêm túc mà nói, tôi hiểu rõ ràng Lintang không trải qua những điều tôi từng trải qua. Hai con người nhìn một sự vật từ hai góc nhìn khác nhau nên có nhận thức khác nhau. Chính vì vậy Lintang mới nói đến tính đồng thời. Như thế cũng có lợi cho cách nhìn nhận cuộc sống của chúng tôi hiện giờ. 

Một lát sau, tôi lại nghe tiếng Bùm! Bùm! nữa. Hóa ra một chiếc tàu kéo khác di chuyển theo hướng đối diện chiếc lúc nãy. Đuôi con tàu trước vẫn chưa khuất khỏi tầm nhìn. Tôi nhìn bên trái rồi bên phải, so sánh chiều dài của hai con tàu vừa đi qua. 

Lintang quan sát cử động của tôi. Tôi biết cậu đang đọc ý nghĩ của tôi. Cái tài này của cậu không bao giờ khiến tôi hết ngạc nhiên cả. 

“Nghịch lý,” tôi nói. 

Lintang cười. 

“Tương đối,” cậu đáp. 

Tôi nói nghịch lý vì tôi - một vật thể đứng yên - đoán kích cỡ của chiếc tàu kéo sẽ khác so với suy đoán của những người trên chiếc tàu kéo. 

“Không, không phải nghịch lý, mà là tương đối,” cậu lại giải thích. “Vật thể đứng yên và vật thể chuyển động sẽ có những đánh giá khác nhau về kích thước của một vật thể đang chuyển động. Đây là một giả thuyết đã được chứng minh, thời gian và khoảng cách không mang tính tuyệt đối, chỉ tương đối thôi. Einstein đã phản bác Newton bằng khái niệm này, và đó là tiền đề của thuyết tương đối đã giúp Einstein trở nên nổi tiếng.” 

Ôi, Lintang! Từ khi chúng tôi còn nhỏ, tôi chưa khi nào thôi ngưỡng mộ con người nhỏ bé đang ngồi trước tôi đây. Người ngồi cùng bàn năm xưa, người giờ đây là một cư dân sống trong cái lán dành cho cu li, vẫn còn lanh lợi lắm. Dẫu là đôi mắt biết cười của cậu đã trở nên giống như hai hòn bi thủy tinh sậm màu vì thời gian thì trực giác của cậu vẫn nhạy bén như mắt diều hâu đang soi xuống bầy gà. 


Phan_1
Phan_2
Phan_3
Phan_4
Phan_5
Phan_6
Phan_7
Phan_8
Phan_9
Phan_10
Phan_11
Phan_12
Phan_13
Phan_14
Phan_15
Phan_16
Phan_17
Phan_18
Phan_19
Phan_20
Phan_21
Phan_23 end
Phan_gioi_thieu
Nếu muốn nhận thông tin bài viết mới của trang thì like ở dưới hoặc truy cập trực tiếp CLICK

TRANG CHỦ
Truyện Teen   Ngôn Tình   Đam Mỹ   Bách Hợp   Mẹo Hay   Trà Sữa   Truyện Tranh   Room Chat   Ảnh Comment   Gà Cảnh   Hình Nền   Thủ Thuật Facebook  
Facebook  Tiện Ích  Xổ Số  Yahoo  Gmail  Dịch  Tải Opera  Đọc Báo 

Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian

C-STAT .